084 310 0000
thanhvuaudio@gmail.com

Kỹ năng sinh tồn P8


Vì sao bạn phải uống nước?
 
Câu hỏi này vốn khá buồn cười vì đến trẻ con cũng đã biết nước là một trong nữa chìa khóa của sự sống. Bạn không thể sống mà không có nó. Khi nóng bạn uống nước, khi lạnh bạn vẫn phải cần tối thiểu 2 lít nước 1 ngày, căng thẳng bạn tốn thêm một chút nước, vận động bạn càng tốn thêm nước cho bản thân...
Hơn 3/4 cơ thể của chúng ta là chất lỏng và bạn tiêu tốn nó cho những hoạt động thường ngày. Việc bổ sung lại phần chất lỏng tiêu hao là việc cần thiết. Thiếu nước bạn sẽ chết rất sớm. Dưới 3 ngày.
 
Uống nước thế nào cho đúng?
 
Còn câu hỏi này thì sao? Liệu nó có thừa thãi?
 
Bạn đã uống nước theo cách của mình vài chục năm nay mà chẳng có vấn đề gì xảy ra.  Nhưng nếu xét đến một vài trường hợp đặc biệt thì không hẳn là bạn đã biết cách uống nước hợp lý nhất. Thử xem nhé:

 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 1

- Bình thường bạn nên uống nhiều nước trong mọi trường hợp. Đặc biệt là lúc căng thẳng.
 
- Trong những lúc phải di chuyển liên tục và dài nên uống nước làm nhiều lần, mỗi lần một ngụm nhỏ. Như thế sẽ giữ được tình trạng sức khỏe ổn định nhất.
 
- Khi vận động liên tục và nặng nhọc cảm giác khát nước sẽ đến rất mau chóng. Bạn bị kích thích uông nước nhưng bạn không nên uống ngay lập tức một lượng nước lớn. Lúc đó tim bạn đang hoạt động mạnh, đường ruột và dạ dày cũng đang co bóp mạnh. Việc hấp thu và điều hòa một lượng nước lớn là điều không thể dẫn đến việc tim phải làm việc quá sức. Rất có hại. Đôi khi việc này làm bạn có cảm giác “phê phê “, mất cảm giác thậm chí là ngất xỉu.
 
- Uống nhiều nước ngay trước và sau khi ăn cơm làm loãng các dịch tiêu hóa và các dung môi trong dịch dẫn đến việc tiêu hóa của bạn kém dễ bị đau dạ dày về sau.
 
Nước ở đâu là dùng được ? Dùng như thể nào ?
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 2

 

Vùng băng tuyết: 

 
- Không ăn trực tiếp băng, tuyết nếu không còn cách nào khác vì tuyết lạnh sẽ làm giảm thân nhiệt. Gây cảm sốt, đau họng. Điều này dễ xảy đến với những vùng nhiệt độ thấp như vậy.
 
- Tuyết nhìn có vẻ trắng và tinh sạch thật. Nhưng thực sự nó có sạch hay không còn tùy thuộc vào môi trường của nó, độ ô nhiễm của nó cũng khá cao. Đừng tin vào vẻ tinh khiết của băng tuyết.
 
- Băng ở biển vẫn chứa muối. Sử dụng chúng càng làm bạn mất nước. Tuy nhiên quá trình đóng băng của nước biển cũng đẩy ra khỏi nước không ít muối.
 
Vùng biển: Nói chung là không nên uống nước biển nếu chưa lọc muối.
 
Nước mưa: Hầu hết là uống được trong tất cả các trường hợp. Hãy tạo ra các vật dụng có thể giữ được nước mưa khi trời mưa.
 
Vùng sa mạc: Nước ở địa phương kiểu này rất hiếm. Sử dụng chúng tiết kiệm nhất có thể. Việc này sẽ bàn kĩ hơn ở phần dưới.
 

Tạo ra nước - Tìm kiếm nước

 
Trở lại với hòn đảo của chúng ta. Tình huống của bạn như sau: Bạn (hoặc nhóm của bạn) bị đắm tàu và trôi dạt đến một hoang đảo, những vật dụng cần thiết đã không thể giữ lại. Sau khi tỉnh lại và điểm danh những người còn sống sót, bạn mau chóng nhận ra là tất cả mọi người đang khát,họ rất cần nước. Việc cấp thiết nhất hiện giờ phải kiếm nước uống được đủ cho mọi người. Bạn chia nhóm của mình ra thành các nhóm nhỏ bắt đầu tiến hành  tìm nước ngọt trên đảo. Nước biển xung quanh bạn có rất nhiều nhưng không thể uống được khi chưa tiến hành việc lọc muối.
 
Sau đợt tìm kiếm, nhóm của bạn tập hợp lại và đáng tiếc là không ai có thể tìm thấy nguồn nước ngọt nào. Một vài người có kinh nghiệm sử dụng cách thức đào lỗ gần bờ biển để lấy nước bớt mặn hơn thấm vào. Tuy nhiên họ cũng mau chóng nhận ra nồng độ muối trong loại nước này vẫn rất cao. Uống vào càng làm họ cảm thấy khát hơn.
 
Tình thế càng lúc càng bi đát hơn khi màn đêm buông xuống, họ không còn cách nào có thể tìm kiếm nước trong hoàn cảnh đó nữa trong khi cơ thể lại càng đòi hỏi được bổ sung nước. Một vài người chia sẻ nhau chai vang Bordeaux trắng còn sót lại và sau đó họ bắt đầu uống nước tiểu của chính mình . Mình xin lưu ý việc uống chất lỏng chứa cồn trong lúc đang khát là việc rất nguy hiểm. Nó sẽ nhanh chóng kéo đi lượng nước ít ỏi trong cơ thể bạn,qua đường nước tiểu hay mồ hôi. Đẩy bạn nhanh hơn xuống vực thẳm của sự mất nước. Ngay cả nước tiểu cũng chứa 2% muối, dùng nó để bù đắp việc thiếu nước không mấy hiệu quả. Vả lại trong lúc bạn mất nước, việc đi tiểu cũng là vấn đề rất khó khăn.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 3
Bạn đã lạc vào một nơi không thể tìm ra nước hay thứ gì tương tự!

 

Vậy thì việc uống máu động vât có giải quyết được tình trạng thiếu nước? Một vài người trong nhóm bẫy được một con ó biển và dự tính uống máu của nó để giải khát. Đây cũng không được coi là một giải pháp tình thế bởi máu động vật cũng chứa muối. Quan trọng hơn là nó được coi là một loại thực phẩm chứ không phải là đồ uống. Khi nó xuống dạ dày, nó kích thích dạ dày bổ sung dịch tiêu hóa để tiêu hóa nó. Bạn sẽ mất thêm nước để bổ sung cho dịch tiêu hóa và các dung môi liên quan đến việc tiêu hóa.

 

Nên nhớ đây là cuộc chiến chống lại sự mất nước, cái bạn cần là nước. Hãy tính toán một cách khoa học nhất có thể để hạn chế việc mất nước. Bạn có thể thiếu thức ăn vài ba tuần nhưng không thể thiếu nước quá 3 ngày.Và nếu cơ thể bạn đã đi vào trạng thái mất nước, rất khó để bạn có thể tỉnh táo và nhanh chóng suy kiệt.
 
Các triệu chứng của mất nước như sau:
 
- Da khô, môi khô nứt nẻ.
 
- Đi tiểu ít, nước tiểu vàng đậm.
 
- Cơ bắp mỏi mệt rã rời cả ngày.
 
- Huyết áp giảm, đau đầu, chóng mặt, tim đập dồn dập.
 
- Cuối cùng là mê man, mất tri giác.
 
Đây là những triệu chứng của việc mất nước. Dựa vào điều này bạn có thể xác định mình hoặc nhóm của mình có những ai bị mất nước nặng hay nhẹ. Lúc này việc tìm kiếm được nước ngọt càng được đặt lên hàng đầu.
 
Màn đêm buông xuống, không đủ ánh sáng để tìm kiếm bất kì thức gì nữa, vả lại nhóm của bạn đã tìm kiếm tất cả những gì có thể lúc ban ngày rồi. Trong trường hợp này bạn sẽ làm gì? Bó tay để mặc cho số phận phán quyết tính mạng ? Hay mong chờ vào một cơn mưa bất chợt?
 
Nếu bạn cần một giải pháp tạm thời thì có một cách mà bạn có thể sử dụng ở bất kì đâu để có thể kiếm được cho mỗi người một lượng nước đủ dùng mỗi ngày. Ngay cả trong những trường hợp khó khăn như trên. Đó là thu thập hơi sương.

 

Ở bất kì nơi đâu trên thế giới, luôn luôn có sương kể cả ở trong sa mạc. Trên biển thì sương mù luôn cực kì dầy đặc và liên tục. Và bạn chỉ việc thu thập loại sương này đọng trên cây cỏ. Nghe thì có vẻ buồn cười nhưng việc này cực kì khả thi. Đây là cách kiếm nước ngọt đơn giản của thổ dân châu úc bản địa mà rất ít người biết đến. Ben nói với tôi với cách này, bạn có thể kiếm được 1 lít nước trong 1 tiếng đồng hồ. Một con số rất triển vọng phải ko ?

 

Cách này đơn giản như sau: Cuốn vải sạch và dày vào chân bạn. Kiếm một bãi cỏ đủ rộng và đi lại trên đó. Nước đọng trên các lá cỏ sẽ mau chóng thấm vào mảnh vải dưới chân, khi nào cảm thấy vừa đủ thì bạn vắt nước trên tấm vải ra vật chứa. Bạn đã có nước, khá là tinh khiết.
 
Bạn cũng có thể lấy nó từ các tán cây trên cao với que dài buộc vải. Nhưng việc đi lại trên một bãi cỏ nào đó sẽ dễ dàng và đỡ mất sức hơn rất nhiều. Sương mù dày đặc cũng sẽ mau chóng bổ sung lượng nước bạn đã lấy đi. Sương sẽ vẫn tiếp tục phủ xuống trong một thời gian rất dài từ đêm đến sáng ( có khi đến gần trưa ). Bạn và nhóm của bạn sẽ tạm đủ nước ngọt để dùng nếu sử dụng cách trên.

 

Vùng ngoại ô thủ đô Lima, Peru có địa hình đồi dốc và ít mưa, do vậy rất thiếu nước sinh hoạt. Để khắc phục điều này, hai nhà nghiên cứu sinh học và bảo vệ môi trường người Đức là Tiedemann và Anne Lummerich tìm cách hỗ trợ những cư dân ngoại ô Lima bằng những chiếc lưới đặc biệt có thể thu nước từ sương mù.
 
Bellavista là một trong những ngôi làng được Tiedemann và Anne Lummerich thử nghiệm việc dùng lưới thu nước. Chiếc lưới có chiều cao 4 mét, rộng 8 mét, được căng trên trụ gỗ cách mặt đất 5,5 mét (ảnh). Vào một ngày đẹp trời mỗi tấm lưới như thế có thể thu được gần 600 lít nước.
 
(Theo Nationalgeographic)
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 4
Lưới hứng sương ở ngoại ô Lima.
 

Tìm Nguồn, Mạch nước ngầm

 
Việc thu thập hơi sương như trên là một cách khá hay nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nó tốn sức tốn thời gian và bó chân bạn tại một địa điểm. Việc tìm kiếm nguồn nước ngọt hay mạch nước ngầm là một việc mà bạn không thể  không làm. Vậy thì cách thức tìm kiếm chúng như thế nào ?

 

- Từ sông, suối, ao , hồ, đầm, mương, lạch … Bất kì ai cũng biết đó chính là nước, tùy vào độ ô nhiễm của nó mà bạn có thể uống trực tiếp hay lọc trước khi sử dụng. Tìm được chúng thì bạn là người may mắn. Hãy tổ chức nhóm của bạn thám hiểm sâu hơn vào phía trung tâm của đảo. Bạn có thể gặp được hồ nước ngọt, suối hay thác nước từ trên cao đổ xuống. Chúng hoàn toàn là nước ngọt. Tìm được sông suối hay hồ nước bạn cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm thức ăn.

 

- Từ bờ biển: Bạn xem Wild vs Man và thấy Bear uống nước từ bờ biển bằng cách đào lỗ gần bở biển và lấy nước thấm vào đó qua lớp cát ? Bạn nghĩ đó cũng là một cách?
 
Sự thật thì việc không đơn giản như thế. Cát hoàn toàn không có khả năng lọc được muối. Nếu bạn tìm được nước ngọt thì nước đó không phải đến từ biển. Tuy nhiên cách này cũng hay được sử dụng và có thể tìm được nước uống được. Hãy làm theo các bước sau đây:
 
 + Đi dọc theo bờ biển, cách biển ít nhất 30 mét. Kiểm tra những phần cát ẩm ướt khác màu với xung quanh.
 
 +  Chú ý những nơi trên cát có cỏ mọc, khả năng rất cao là nơi đó có nước ngọt.
 
 + Tìm được vị trí thích hợp thì hãy đào những lỗ nhỏ ở vùng này. Chú ý khi đào đến lớp cát ướt phải dừng lại ngay và chờ nước từ từ rỉ ra. Nếu nóng vội đào sâu hơn chắc chắn sẽ gặp nước mặn.
 
 + Hi vọng là nó không mặn để có thể uống được, chứa chúng bằng các loại vật dụng. Nếu không thành công thì lặp lại từ bước 1 và tiếp tục hi vọng.
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 5

 
- Nói chung việc lấy nước từ bờ biển khá khó khăn. Bạn vẫn phải tìm cách để tìm được mạch nước hay nguồn nước.

 

 + Tìm những nơi có dấu hiệu của nước như sông suối cạn, đào lỗ hoặc giếng ở gần đó. Cách này tuy mất sức nhưng tỉ lệ kiếm được nước với số lượng nhiều khá cao.
 
 + Đi ngược lại về phí nguồn của những con sông, suối cạn. Bạn có thể tìm thấy được nước vẫn còn đang tiếp tục chảy, những mạch nước vẫn đang rỉ nước hoặc ít ra là bùn nhão. Bọc lớp bùn nhão này vào trong một tấm vải và vắt chúng thật mạnh. Nước (bẩn) sẽ rỉ ra. Thu thập một lượng đủ để lọc và sử dụng trong lúc cần thiết.
 
 + Trong trường hợp bạn ở vùng núi đá, tìm đến những nơi có rêu xanh mọc nhiều và phát triển.Rất nhiều trường hợp nước rỉ ra từ các kẽ nứt trên đá. Những khu vực khô cằn mà xuất hiện nhiều phân chim thì cũng nên tìm kiếm ở các khe nứt và hốc đá, bạn sẽ tìm thấy nước tinh khiết và có thể uống được ngay. Trong trường hợp nước ở trong khe sâu mà không có ống hút hay dụng cụ như muôi, ly nhỏ để lấy nước bạn có thể nhét vào đó một tấm vải sạch để nó thấm nước sau đó vắt nước từ đó ra một vật để đựng.

 

Theo dõi hành vi của động vật

 

Vẫn là tìm kiếm nguồn nước nhưng bằng mắt thường thì việc tìm kiếm theo kiểu cầu may như trên cho tỉ lệ thành công không được cao. Ta có thể nhờ các loại động vật bản địa “ chỉ đường” giúp đến nơi có nước vì chúng đã sống ở đây lâu dài. Dù là côn trùng thì chúng cũng vẫn cần nước để sống, và tất nhiên chúng sẽ nhớ được đường đến nơi có nước.
 
- Khu vực có tổ ong là khu vực có nguồn nước, tìm kiếm quanh đó.
 
- Một chú rùa sa mạc thường sống quanh quẩn ở nơi có nước, chú ý hướng di chuyển của nó.
 
- Các loài thú càng lớn thì càng cần nước. Loài voi cần nước không chỉ để uống mà còn để đầm mình. Đi theo dấu chân của chúng chắc chắn sẽ dẫn đến nơi có nước. Chú ý loài voi khá hung dữ và dè chừng con người. Chúng cũng khá thông minh chứ không hiền lành như trong phim đâu. Cẩn thận đừng chọc phá đến chúng.
 
Các loài thú khác cũng dẫn đến nơi có nước. Chúng thường đi tìm nước uống vào lúc sáng sớm và chiều tối. Vào những thời điểm này đi theo chúng hoặc đơn giản hơn là lần theo dấu vết di chuyển, lối mòn nhiều năm rất dễ nhận biết của chúng để tìm thấy nước.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 6
Các loài thú bản địa là chuyên gia tìm kiếm nguồn nước.
 
- Chim chóc thường tập trung ở những nơi có nước. Để ý những nơi chim chóc tập trung thành đàn lớn.Nếu ở xa không thể nhìn được nơi bầy chim tập trung thì nhìn lên bầu trời, chú ý những nơi có nhiều chim chóc bay vòng vòng và sà xuống. Tìm kiếm nơi nào tập trung nhiều phân chim cũng là một cách khác.

 

Chú ý những loài chim săn mồi như chim đại bàng, chim cắt, chim ưng … thường lấy chất lỏng trong máu con mồi thay cho nước. Đi theo chúng thường không có kết quả.

 

Các loài chim biển như hải âu, bồ nông, nhạn biển, mòng biển … có tuyến lọc muối riêng nên chúng  không cần đến nước ngọt. Đây là nguyên nhân có thể tìm thấy chúng cách xa đất liền hàng trăm dặm. Và dĩ nhiên chúng không chỉ ta nơi nào có nước ngọt.

 

Thổ dân sa mạc sahara cho rằng: Những con chim bay đến nơi có nước thì bay nhanh, bay thẳng. Còn nếu bay từ những nơi có nước về thì bay nặng nề, đập cánh mạnh mẽ và thường xuyên phải đậu lại để nghỉ ngơi. Tuy nhiên tôi nói ra cách này chỉ để các bạn tham khảo và nếu sử dụng thì đòi hỏi bạn phải là người có kinh nghiệm và kĩ năng quan sát tốt.

 

Nói chung loài chim là loài vật có nhiều công dụng giúp đỡ ta nhất khi lạc ngoài hoang dã. Trong đó là khả năng tìm kiếm nguồn nước. Chúng có số lượng nhiều, sống ở hầu hết mọi nơi trên trái đất, không nguy hiểm và không khó nhận thấy như những loài thú khác.

 

Nước từ thực vật

 

Nếu quá khó khăn trong việc tìm kiếm nước từ các phương thức như ở trên thì việc lấy nước từ thực vật là một cách làm khá tốt và đơn giản. Hàng ngày, việc ăn vào cách loại thức ăn, hoa quả có chứa nhiều nước cũng là một cách để bạn cung cấp nước cho cơ thể. Tuy nhiên ở đây tôi xin đề cập đến những vấn đề nâng cao hơn là việc đơn giản chỉ ăn các loại hoa quả. Đó là kiếm được nước uống được từ thực vật. Tất nhiên việc này cũng có những điều cấm kị riêng. không phải nước từ loại cây, loại quả nào cũng có thể ăn, uống được. Hãy cẩn thận chỉ sử dụng những loại cây nào mình đã biết rõ.

 

- Từ hoa quả: các loại hoa quả thường chứa nhiều nước.Nếu ăn với số lượng nhiều thì cũng đủ cung cấp nước cho cơ thể hoạt động. Quả dừa chứa rất nhiều nước mát và dinh dưỡng, các loại quả như dưa hấu, thốt nốt cũng chứa nhiều nước.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 7
Bản thân hoa quả chứa nhiều nước và các loại vitamin.

 

Chú ý vì không ít các loại hoa quả độc không tên mà bạn chưa biết. Thậm chí nhiều loài còn chưa có tên khoa học. Chúng sẽ làm bạn ngộ độc thậm chí là giết chết bạn nếu ăn phải. Vậy hãy chắc chắn ăn và uống những gì mình đã biết rõ về nó. Điều này tôi sẽ nói rõ hơn ở phần sau : “ Thực vật nguy hiểm".
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 8

 
- Nước từ các loại dây leo: Các loại dây leo tươi tốt trong tự nhiên chứa bên trong nó nhiều nước. Nước từ các loại dây leo này thường có mùi hơi ngái nhưng hầu hết là tinh khiết và uống được trực tiếp từ thân cây. Một số loại gây ngứa cổ khi uống nhưng hầu hết là không có độc. Khi sử dụng chúng thì cần chú ý một chút.

 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 9
Một cách giải khát của người đi rừng.
 
Cắt đứt một dây leo ở phần sát mặt đất, kê đầu đó vào bình chứa sau đó cắt đứt phần trên cao của dây leo để dây leo hở ở 2 đầu. Dốc ngược nó xuống thì nước sẽ chảy vào bình. 
Khi hết nước làm tương tự với đoạn dây leo khác. Các loại dây leo nhỏ như dây nho vẫn cho một lượng nước đáng kể.
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 10

 
- Nước mưa đọng lại từ trong các hốc cây to, cây đại thụ: Những hốc cây do kiến hay ong đục thủng là một nơi chứa nước sạch khá lâu do ít có ánh mặt trời chiếu vào. Lấy nước từ đó ra bằng ống hút hay các tấm vải sạch.
 
- Một bụi tre xanh là một nguồn nước tuyệt vời: nước mưa đọng lại trong các đốt tre bị kiến đục thủng. Khi gặp một bụi tre , hãy lắc mạnh từng cây tre và tìm kiếm những cây tre nào phát ra âm thanh óc ách. Nó đang chứa nước.

 

Bản thân cây tre cũng chứa rất nhiều nước. Do cấu trúc mao mạch của cây tre nên việc lấy nước từ nó ra cũng không khó khăn cho lắm. Tìm những cây tre non và xanh nhất.Cắt đứt phần ngọn, uốn cong nó xuống và buộc lại như hình bạn sẽ thấy nước nhỏ giọt xuống từ vết cắt. Hứng nó một thời gian, qua 1 đêm bạn sẽ có khoảng 2,5 lít nước sạch.

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 11

Nước lấy từ cây tre dù bằng cách nào đi nữa thì cũng đều tinh khiết, không màu, không mùi và sử dụng luôn được. Một bụi tre xanh là một nguồn nước tuyệt vời.

 

- Nước từ cây chuối: Cây chuối là một loại cây thường gặp và trong thân nó chứa nhiều nước. Nó có một bộ rễ cực khỏe trong việc hút nước. Nó cũng thường mọc ở nơi đất ẩm ướt. Ta không lấy nước trực tiếp từ nó như đối với cây tre mà sử dụng nó như một loại máy bơm hay máy lọc nước ( xem hình )

 

 + Cắt ngang thân cây chuối, cách phần gốc dưới mặt đất khoảng 20-30 cm
 
 + Khoét một lỗ hình bát ở phần còn lại. Chú ý khoét theo hình bát, chừa phần bẹ chuối xung quanh lại để đựng nước, khoét sâu cho đến khi đụng đến phần củ chuối dày, xốp màu trắng thì dừng lại.
 
 + Để nguyên như thế khoảng 1 giờ sau thì nước sẽ tự trào lên đầy kín “bát” . Múc nước ra vật chứa và lại chờ nước trào lên. Lặp lại bước trên cho đến khi cây chuối khô kiệt nước.
 
 + Một cây chuối có thể làm liên lục như vậy 4-5 ngày. Lượng nước nó cung cấp là không hề ít.
 
 + Loại nước này có vị hơi chát nhưng uống trực tiếp cũng ko sao. Ngoài ra có thể lọc nó để loại bỏ vị chát.
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 12

 
- Nước từ cây dừa: Quả dừa cho nước uống rất tốt, đó là điều hiển nhiên nhưng nếu bạn gặp một cây dừa không có quả. Vẫn có cách lấy nước từ thân cây dừa bằng cách sau:
 
Níu ngọn (phần giáp cuống hoa với buồng hoa ) cắt cụt phần đầu. Phần buồng hoa này khá ngắn nên cắt ít thôi. Sau khi cắt thì níu cong xuống và buộc cố định lại. Hứng nước nhỏ giọt xuống bên dưới hoặc lấy túi Nylon buộc vào phần bị cắt đó. Với cách này mỗi cây dừa sẽ cho bạn 1 lít nước mỗi đêm.

 

Một số loại nhựa dừa còn được dùng để làm đồ uống, rượu và chế biến thành đường. Nói chung dùng để uống thì không có vấn đề gì.
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 13

 
- Cây thốt nôt: Được trồng nhiều ở phía nam Việt Nam và khá nhiều nước trong vùng nhiệt đới. Đây là một loại cây khác “ đặc sản” vì quả của nó thơm ngon. Ăn ngọt và mát như thạch. Quả già có thể làm mứt hoặc giã ra lấy bột làm bánh. Thân cây chứa nhiều nước có vị ngọt và mùi thơm. Loại nước này có thể để lên men làm rượu hoặc để chế biến đường cát.
 
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 14

Cây thốt nốt.

 

Để lấy nước từ cây thốt nốt, Bạn có thể làm tương tự như với cây dừa, cắt một đoạn ở đầu đọt hoa, buộc túi Nylon và vít nó trĩu xuống. Để như thế 1 đêm bạn sẽ có 1 lít nước có vị ngọt để giải khát.

 

- Cây xương rồng: Cây xương rồng mọc khá nhiều ở sa mạc và hoang mạc khô cằn. Bản thân nó không cần nhiều nước để phát triển nhưng lại chứa rất nhiều nước trong thân. Đặc biệt là giống xương rồng khổng lồ saguaro mọc nhiều ở châu Mỹ ( Ở kỳ 2 có một bạn độc giả nói cây xương rồng saguaro trong thân có nhiều chất độc mà khi ta ăn phải sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Mình đã tìm hiểu rất kĩ những tài liệu về loài cây này và hỏi cả ý kiến của Ben. Mình xin xác nhận lại : đây là loại xương rồng chứa nhiều nước nhất và hoàn toàn không độc. Quả của nó còn ăn khá ngon nữa.Có thể sử dụng được nước trong thân nó một cách an toàn).

 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 15
Xương rồng saguaro có thể cao trên 15m.

 

Để lấy nước trong cây xương rồng, bạn hãy chọn những cây tròn. Mọng nước và cao vừa tầm. Cắt ngang thân cây, dùng que hay gậy quậy nát phần ở giữ nó sẽ cho bạn một loại chất nhờn giống như thạch. Ăn có vị mát và không đến mức khó ăn lắm. Dùng nó để giải khát rất tốt.
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 16

 
Cách khác là bạn có thể cắt phần lõi đó ra thành từng miếng nhỏ. Bọc nó vào một miếng vải sạch và ép, vắt nước từ trong đó chảy ra. Kiên trì thì bạn cũng có một số lượng nước tạm đủ để dùng trong sa mạc.

 

- Các loại cây khác: Các loại cây trên là những loại cây mọc rộng rãi trên khắp thế giới hay ít ra bạn có thể bắt gặp họ hàng của chúng ở khắp nơi trên thế giới, hãy linh hoạt tận dụng chúng trong những tình huống tương tự.

 

Chú ý một số loại cây sau thường cho rất nhiều nước: Cây cọ (palm), cây dừa (coconut), cây mía,cây song, cây mây , cây mộc lan, cây bao báp, cây kapac, cây Rui, cây Bụng Báng, cây Đùng Đình (mọc ở miền trung Việt Nam và các nước nhiệt đới)...
 
Những cây kapac trưởng thành cao khoảng 15 mét và cho liên tục 150-170 lít nước từ thân nó.

 

Nhưng nếu bạn đen đủi đến mức không thấy bất kì những gì như tôi nói: không thấy khe nước, không thấy nguồn nước,không ao hồ, không thấy các loài chim thú, không có sương mù, không có những loài cây quả như kể trên mà chỉ có những cây bụi thấp lè tè không mọng nước. Chẳng còn cách nào khác bạn đành phải vắt nước có lẫn nhựa cây ra để sử dụng nếu không muốn chết. Những cây loại này thì phần mọng nước nhất nằm ở gần rễ. Nghiền rễ của chúng để vắt lấy nước hoặc sử dụng cho việc chưng cất mà tôi nói ở phía dưới.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 17
 
Nhìn có vẻ không mấy triển vọng nhưng chúng cũng có thể cung cấp nước.

 

Nước từ băng tuyết

 

Đun chảy thành nước khá tinh khiết. Tránh việc sử dụng trực tiếp dẫn đến mất nhiệt và khô họng. Uống nước quá lạnh còn làm tăng cảm giác khát nước.

 

Lọc và khử trùng nước

 

Ở nơi hoang dã, bạn có thể chế tạo những hệ thống lọc nước mini đơn giản nhưng có tác dụng lọc các chất cặn bã, chất bẩn làm cho nước trở nên trong và sạch hơn (chưa nhắc đến việc khử trùng nhé )

 

- Dùng một chiếc lon bia, ống tre, các loại chai lọ …hay bất kì thứ gì bạn có thể kiếm được.
 
- Đục nhiều lỗ nhỏ ở phía đáy, nhét cỏ hoặc vải xuống phần đáy.
 
- Tiếp theo là một lớp mỏng cát sạch.
 
- Nếu có thể bạn cho vào tiếp một lớp than hoạt tính. Than hoạt tính có thể tạo ra bằng cách đun các loại gỗ cứng như gáo dừa (không phải xơ dừa nhé ), gộc tre trúc. Cắt vụn các loại gỗ này và đốt vừa đủ trong lửa cho đến khi bở bột. Đập vụn ra và làm lớp lọc tiếp theo. Loại than này gần được coi là than hoạt tính.
 
Than hoạt tính có công dụng rất lớn lao trong việc lọc nước.Chúng có thể lấy đi các chất độc, kim loại nặng, khử mùi và hoàn toàn không gây hại đến cơ thể chúng ta.
 
- Nếu không có than hoạt tính thì có thể dùng một lớp cát dày để lọc. Tuy nhiên tính năng lọc nước kém hơn.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 18
 

Sử dụng loại ống lọc nước mini này để lọc những loại nước bẩn mà bạn kiếm được từ ao hồ, giếng đào có chứa nhiều bùn đất, chất cặn bẩn.

 

Khử trùng: Nước sau khi đã được lọc sạch hơn thì ta có thể khử trùng. Cách đơn giản và hiệu quả nhất là khử trùng nước bằng cách đun sôi. Đun nước sôi từ 5-10 phút là có thể loại bỏ được tất cả những vi sinh vật trong nước.

 

Trong trường hợp ngoài hoang dã, bạn không thể kiếm được một chiếc nồi kim loại để đun nước thì ta có thể đun nước trong ống tre, thậm chí là trên các tấm vải chống thấm nước dày, các loại da thú, mai rùa.

 

Đun nước trên các tấm da thú hay các tấm plastic, tấm vài chống thấm nước bằng cách như sau:
 
- Đào một lỗ nhỏ trên mặt đất, chuẩn bị những viên sỏi, đá nhỏ bằng quả trứng gà.
 
- Phủ tấm da thú lên trên cái lỗ, dằn đá xung quanh cho chắc chắn, ta có một cái nồi ngầm dưới mặt đất.
 
- Đổ nước đầy “chiếc nồi” này.
 
- Nung nóng các viên đá nóng và lần lượt bỏ vào nồi cho đến khi nước sôi.

 

Đây là một cách đun nước hiệu quả nếu trong tay bạn không có một chiếc nồi nào. Bạn cũng có thể dùng cách này để nấu ăn trong các trường hợp tương tự.

 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 19
Một cách đơn giản để đun sôi nước trên da thú

 

Đồ dùng để đựng nước

 

Bằng sự nhanh trí của mình, hãy tận dụng tất cả những gì có xung quanh bạn để đựng nước. Đây là một công đoạn khá quan trọng bởi bạn tìm thấy nước mà không có gì để đựng, để vận chuyển thì mọi chuyện cũng bằng hòa.

 

Nó có thể là các loại vật liệu lấy từ thực vật như ống tre trúc, gáo dừa (sọ dừa), vỏ quả bầu, làm từ gỗ …

 

Cũng có thể nó được lấy từ động vật như sừng trâu bò, túi ruột tượng làm từ dạ dày cách loài thú lớn may lại, mai rùa …

 

Từ chính những vật dụng chúng ta có sẵn: chai lọ sau khi dùng xong, vải chống thấm, túi nylon, bao cao su …

 

Nước từ phương pháp chưng cất hay ngưng tụ

 

Phương pháp chưng cất hay ngưng tụ hơi nước là phương pháp lấy nước kì công hơn một chút. Bù lại ta có thể thu được loại nước cực kì tinh khiết. Phương pháp này cũng được sử dụng khi tất cả các cách phía trên không làm được (sự thật thì trường hợp đó cũng rất khó xảy ra).

 

Từ nước biển hay nước bẩn, ô nhiễm nặng. Bạn có thể thu được nước sạch bằng cách chưng cất như hình dưới đây:
 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 20

  
- Đun nước mặn hay nước ô nhiễm trong nồi 1.
 
- Nồi 1 được bít chặt và thông sang nồi 2 bằng một cái ống.
 
- Phần ống bên nồi 2 được quấn vải tẩm nước có tác dụng làm lạnh ống. Bản thân nồi 2 cũng được nhúng nước thì càng tốt.
 
- Hơi nước từ nồi 1 sang nồi 2 gặp lạnh sẽ ngưng tụ lại.
 
- Liên tục làm lạnh cho nồi 2 và ống, bạn sẽ nhanh có nước ngưng tụ hơn.

 

Ngưng tụ nước

 

Cây cối trong quá trình quang hợp sản sinh ra khá nhiều hơi nước. Sử dụng một túi nylon để lấy hơi nước sinh ra. Cách này cho nước không được nhiều nhưng nước tinh khiết và có thể dùng ngay được.

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 21

- Tìm một bụi cây nhỏ, lá xanh tốt. Đào một lỗ nhỏ ngay cạnh cây để chứa nước. Lót dưới đó một tấm nylon sạch để đựng nước.
 
- Trùm một tấm nylon khác ra ngoài toàn bộ cây, dằn đá xung quanh cho kín.
 
- Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, cây quang hợp sản sinh ra hơi nước, đọng lại dưới tấm nylon và ngưng tụ lại, chảy xuống cái hố lót nylon để đựng nước mà ta tạo ra.
 
[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 22
Một cách khác tương tự để lấy hơi nước từ cây xanh.

 

Bạn tìm thấy những con sông toàn bùn, những nguồn nước ô nhiễm nặng hay nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, nước biển. Thậm chí ngay cả những thứ trên bạn cũng không thể tìm được ( trong sa mạc chẳng hạn ) . Bạn chỉ có thể có một vài cái cây bụi thấp, vài cây xương rồng nhỏ, cỏ dại … Bạn vẫn có thể lấy nước từ chúng bằng phương pháp ngưng tụ. Phương pháp này có lẽ còn hiệu quả hơn việc ngưng tụ hơi nước từ lá cây như ở trên.

 

- Đào ở những khu vực đất ẩm ướt, bùn hoặc bất kì chỗ nào có ánh mặt trời chiếu tới.Đường kính 1 mét, sâu cũng khoảng 1 mét.
 
- Đặt dưới đáy một chiếc xô, ca, chậu, mai rùa hay bất kì những gì có thể đựng nước.
 
- Phủ lên miệng hố một tấm nylon trong suốt (kể cả không trong suốt cũng được ).Dằn đá xung quanh cho chắc chắn và kín.
 
- Đặt một viên đá nhỏ ở giữa để tấm nylon trũng xuống ngay phía trên vật đựng nước
 
- Sức nóng của ánh nắng mặt trời sẽ làm đất ấm bốc hơi đọng lại trên tấm nylon và nhỏ vào vật đựng nước. Với cách này bạn có thể tạo ra 2 lít nước trong những ngày nắng to.

 

[Kỹ năng sinh tồn] Phần 6: Tìm kiếm nguồn nước - Chìa khóa của sự sống 23
 

Với trường hợp ở sa mạc khô cằn,hoang mạc hoặc những nơi không có đất ẩm. Bạn có thể lót dưới hố thân cây, lá cây, rễ cây … những phần mọng nước của cây được băm nát cũng tạo được độ ẩm .

 

Trường hợp nước mặn hay nước ô nhiễm, bạn có thể đổ trực tiếp xuống hố để làm đất ẩm thì càng tốt.

 

Tổng kết

 

Tầm quan trọng của nước đối với sự sống như thế nào thì có lẽ tôi không cần phải nhắc lại. Phía trên là những cách tạo ra nước uống được từ trong thiên nhiên mà tôi tập hợp từ rất nhiều tài liệu, kể cả những kiến thức thực tế của những người chuyên nghiệp. Nó đã khá chi tiết và bao gồm cả những cách có vẻ khó thực hiện thậm chí phi thực tế. Nhưng một lúc nào đó, khi thiên nhiên không cho phép bạn lựa chọn thì có lẽ, đó là cách duy nhất mà bạn có thể làm để duy trì sự sống. Chính nó  sẽ khiến bạn có thêm sức mạnh và lòng tin để mưu tính những tham vọng lớn lao hơn là việc giữ cho mình sống sót.

Chủ đề: , ,

1471 lượt đọc 01-06-2021

Bình luận:



Hotline: 084 310 0000