Soul là sự giao thoa giữa rhythm'n'blues, nhạc gospel và pop mà trong đó, thành tố của gospel, nhạc hợp ca nhà thờ của người dân da đen, chắc chắn là sự thể hiện rõ nét nhất xúc cảm tột đỉnh qua kiểu hát, hòa âm khẩn cầu, hân hoan.
Trước khi tìm hiểu về nhạc soul, chúng ta cần làm quen với hai khái niệm khác tương đối phổ biến hơn, đó là nhạc R&Bvà nhạc Gospel. R&B hay Rhythm and Blues phổ biến trong cộng đồng người da đen Mỹ gốc Phi từ những năm 1940, được định nghĩa lần đầu tiên là một dòng nhạc "tao nhã, lắc lư, có nền tảng jazz với nhiều nhịp mạnh hơn và nhấn đi nhấn lại". Gospel hay nhạc phúc âm là “nhạc tôn giáo của người Mỹ gốc Phi dựa trên các ca đoàn nhà thờ với những giọng đơn ca điêu luyện”. Nhạc gospel du nhập vào văn hóa người Mỹ gốc Phi từ đầu thế kỷ 17. Có thể lần lại nguồn gốc nhạc gospel từ lịch sử 2000 năm của nhạc thánh ca trong nhà thờ và nhạc dân gian của các vùng nông thôn.
Định nghĩa về nhạc soul được ghi chép trong bảo tàng Rock and Roll Hall of Fame là "âm nhạc phát sinh từ trải nghiệm của những người da đen tại Mỹ, thông qua sự biến đổi của nhạc gospel và R&B thành một dạng sôi nổi và thế tục hơn". Cụm từ "soul music" chính thức xuất hiện vào năm 1961, bản thân nó mang ý nghĩa là thể loại nhạc theo phong cách gospel với ca từ trần tục. Từ "soul" theo cách nói của người Mỹ da đen có nghĩa rộng hơn là niềm kiêu hãnh và nền văn hóa. Giai điệu dễ nhớ, được nhấn bởi những nhịp vỗ tay và những chuyển động tùy hứng của cơ thể là những đặc tính nổi bật của nhạc soul. Ngoài ra, còn có sự đối đáp giữa người hát chính và những người hát đệm. Trong khi biểu diễn, ở đoạn nghỉ giữa các đoạn, ca sĩ thường nói vài câu gì đó thường không có trong loài bài hát. Nhạc soul được sinh ra nhờ vào sự đổi mới của một thế hệ nhạc sĩ sau chiến tranh - những người đã biến nhạc phúc âm trở thành một hình thức nghệ thuật thế tục và dễ hát, dễ nhớ hơn. Chính vì yếu tố đó mà nhạc soul nhanh chóng trở nên phổ biến.
Một số nghệ sĩ tiêu biểu: Ray Charles, Otis Redding, The Impessions, Aretha Franklin
Dòng nhạc soul trở nên phổ biến một cách tình cờ. Vào thời điểm ra đời của nhạc soul, nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn đang vô cùng gay gắt. Mãi đến năm 1980, thuật ngữ "người Mỹ gốc Phi" mới được sử dụng ở Hoa Kỳ. Trước đó, người da trắng chỉ dùng từ "người da đen" hoặc "mọi". Khi diễn biến cuộc đấu tranh đòi quyền công dân của người da đen chuyển sang một giai đoạn mới, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra và lòng tự hào màu da ngày càng gia tăng, nhạc soul không chỉ là bữa tiệc âm nhạc cho thanh niên da màu, nó đã trở thành lá cờ khởi nghĩa của phong trào dân tộc. Mặc dù về bản chất, nhạc soul không mang yếu tố chính trị, thế nhưng việc nó leo lên vị trí cao trong biểu đồ âm nhạc đại chúng lúc bấy giờ được coi là một thành công đầu tiên, và dễ nhận thấy nhất trong công cuộc đòi lại quyền công dân của người da đen. Nhạc soul sau đó được đón nhận bởi cả những người da trắng và có công lớn trong việc giảm bớt phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Những người da trắng, đa số có thành kiến và bảo thủ, cũng bắt đầu thay đổi cái nhìn về người da đen kể từ khi nhạc soul ra đời. Hai nền văn hóa bắt đầu có sự giao tiếp lẫn nhau, trong đó có công đóng góp không nhỏ của âm nhạc.
Những nghệ sỹ đầu tiên của dòng nhạc soul
Tên tuổi được nhắc đến đầu tiên là Ray Charles Robinson, giọng ca, nhạc sỹ và nghệ sỹ dương cầm mù ở Los Angeles. Ray Charles được cho là người sáng tạo ra thể loại nhạc soul với bản hit đầu tiên năm 1954, phát hành bởi Atlantic Records - "I Got a Woman". Ray cũng nổi tiếng là người đã đưa những ca từ trần tục vào giai điệu nhạc gospel đã có trước đó. Việc này từng bị phản đối vì cho rằng đó là báng bổ nhà thờ. Đỉnh cao thứ hai là sự kết hợp phức tạp các giai điệu blues-jazz-gospel và nhạc latin, bài "What'd I Say" phát hành năm 1959. Mặc dù bị cấm ở nhiều kênh radio bởi ca từ có tính gợi dục, thế nhưng ca khúc vẫn vươn lên một cách ngoạn mục vào top 10 trong bảng xếp hạng nhạc đại chúng. Ray Charles là nghệ sỹ da đen đầu tiên làm được việc đó.
Ray Charles (23/09/1930 - 10/06/2004)
Nếu như Ray Charles được công nhận là người đầu tiên mang đến nhạc soul bằng cách trần tục hóa những bài hát gospel, thì Nữ hoàng nhạc soul - Aretha Franklin - lại mang đến sự trọn vẹn hơn. Atlantic Records, lại một lần nữa, sản xuất và phát hành ca khúc "I Never Loved A Man" của Aretha vào năm 1967, mở đầu cho một chuỗi những bản ghi âm đỉnh nhất của nhạc soul mọi thời đại.
Aretha Franklin (sinh ngày 25/03/1942)
Little Richard, Fats Domino và James Brown cũng là những nghệ sỹ nhạc soul đầu tiên. Tuy nhiên, họ thiên về ý thích coi mình là những người biểu diễn nhạc rock and roll nhiều hơn. Nhưng dù sao, nhạc rock cũng bắt nguồn từ R&B, James Brown lại khẳng định rằng về thực chất, ông là một ca sỹ R&B. Little Richard được ca ngợi là "ông vua rock and roll, ryhm and blues và soul", bởi âm nhạc của ông là hiện thân của cả ba thể loại và gây ảnh hưởng đến các nghệ sỹ trong các thể loại nhạc đó. Ngoài ra, Jackie Wilson và Sam Cooke cũng được biết đến như là tổ tiên của dòng nhạc soul này. Trong những năm 1960 về sau, Otis Redding là một trong những ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất gây ảnh hưởng lớn trong nhạc soul về phong cách và thương mại, với việc cho ra đời hãng ghi âm Stax Sound. Atlantic Records là hãng ghi âm tiên phong phát hành âm nhạc của người da đen, nhưng khác với hãng này, Stax Sound chỉ sản xuất nhạc soul có pha trộn thêm gospel, funk, jazz, và blues.
Little Richard (sinh ngày 5/12/1932)
Fats Domino (sinh ngày 25/02/1928)
James Brown (03/05/1933 - 25/12/2006)
Otis Redding (09/09/1941 - 10/12/1967)
Nhạc soul bắt đầu đi vào quỹ đạo phát triển và chiếm vị trí thống trị âm nhạc của người da đen những năm 60, nhất là những năm 70, đồng thời được vay mượn bởi một thế hệ các nghệ sĩ da trắng phổ biến thời bấy giờ như Rolling Stones hay Yardbirds. Về sau, sức phổ biến của nhạc soul giảm dần, nhưng ảnh hưởng của nó thì vĩnh viễn ăn sâu vào một số dòng nhạc hình thành sau đó. Âm nhạc hiện đại không còn đơn thuần thuộc một thể loại cụ thể nữa, mà được pha trộn nhiều yếu tố của những dòng nhạc từ thưở sơ khai.