Vẫn thiết kế độc đáo dạng tròn dẹp trông như một con sò biển nhưng so với các phiên bản trước thì Harman Kardon Onyx Studio 3 có nhiều thay đổi khá tích cực, điển hình như phần chân chống được hoàn thiện với màu sắc rất hài hòa với tổng thể, các chi tiết thừa trên mặt loa cũng được loại bỏ, từ đó cho cảm giác liền lạc và hiện đại hơn rất nhiều so với trước đây. Mặc dù vẫn viên pin 2600mAh với thời lượng nghe nhạc được cho 5 tiếng, nhưng Studio 3 vẫn nhận một số nâng cấp khá đáng giá như tái cấu trúc củ loa, nâng cấp kết nối bluetooth, mic thoại nhằm tăng cường trải nghiệm người dùng.
Gần như suy nghĩ đầu tiên khi mình nhận được Onyx Studio 3 nói riêng và các sản phẩm khác của Harman Kardon chính là thiết kế "khó đụng hàng" của nó. Nếu như trước đây chúng ta thấy họ có những chiếc loa trong suốt, chiếc loa như túi xách đi chợ,... thì bây giờ, chúng ta lại có một chiếc loa di động mang hình dáng của một con sò đang được dựng lên (nếu hình dung giống bánh rán của Doraemon cũng không sai).
Kỳ thực chúng ta vẫn có một chiếc loa dạng tròn dẹp với phần trước được bọc lại bằng một lớp lưới bảo vệ, phủ lên bên ngoài cùng là lớp vải đan mỏng. Nhìn kỹ vào bên trong sẽ có cảm giác như những khối đa diện lắp lại với nhau và nhìn kỹ hơn sẽ là hệ thống 4 củ loa và 2 bộ cộng hưởng bên trong.
Mặt trước ngoài logo Harman Kardon thì không còn bất cứ thứ gì khác, cho cảm giác rất đơn giản và hiện đại thay vì một nút bấm có mic như hồi xưa.
Chạy quanh phần viền của loa là một dải cao su mỏng, các phím bấm được bố trí ở nửa trên của phần viền với các chức năng cơ bản như tắt mở nguồn, tăng giảm âm lượng, nhận cuộc gọi hay kết nối bluetooth.
Nếu chú ý thì ở cạnh dưới của phần viền này chúng ta sẽ có thêm 2 mẩu cao su nhô ra để cố định nó trên bề mặt nào đó.
Toàn bộ mặt sau của loa được phủ một lớp da mỏng, khu vực phía trên sẽ có một hốc để chúng ta cho tay vào và xách loa đi. Với trọng lượng vào khoảng 2kg thì có vẻ như Studio 3 hơi to hơn so với một chiếc loa di động phổ thông mặc dù không nặng.
Ở cạnh dưới chúng ta có một hốc nhỏ hơn nơi đặt các kết nối microUSB, lỗ 3.5mm và cổng cấp nguồn.
Đặt biệt quan trọng hơn cả chính là phần chân đỡ. Phiên bản 3 thì phần chân này được hoàn thiện cùng màu với tổng thể loa, cho cảm giác rất liền lạc thay vì một chiếc chân màu rose gold hoặc inox giống như các phiên bản trước. Bên dưới chân tất nhiên là các nút cao su chống trượt.
Nổi bật ở mặt sau còn có một chiếc màng loa khá to cử động tới lui theo nhịp nhạc. Nhìn khá đẹp và là điểm nhấn bắt mắt của chiếc loa. Cá nhân mình thấy thì rõ ràng đây là tính năng có hiệu quả khi di động bởi người khác sẽ nhìn thấy, còn khi đặt ở nhà thì chính người dùng lại không thấy được hiệu ứng này.
Kết nối rất nhanh, nghe gọi rõ tiếng, kết nối 2 loa thành stereo, âm xứng với giá
Bên cạnh những thay đổi mà theo mình là rất tích cực so với phiên bản 2 thì Studio 3 còn được giới thiệu là nâng cấp mạnh về kết nối Bluetooth, chất lượng mic đàm thoại, bổ sung thêm chức năng pair 2 loa thành dàn stereo vốn là xu thế hiện nay và cả tái cấu trúc lại hệ thống củ loa bên trong. Điểm dễ nhận biết chính là ngay sau khi mở nguồn, loa sẽ tự đưa về chế độ chờ kết nối và sau đó chỉ cần vào điện thoại tìm phát là kết nối. Rất nhanh và đơn giản. Tuyệt vời.
Và mặc dù về mặt thẩm mỹ thì việc đưa mic giấu vào trong loa thay vì có một nút tròn "khó chịu" ở mặc ngoài của loa là rất khả quan nhưng nó không khỏi gợi lên trong mình cảm giác bất an về chất lượng mic đàm thoại. May mắn là điều đó chỉ là cảm giác bởi bằng sự kết hợp của công nghệ khử nhiễu và echo, chất lượng đàm thoại khá tốt, âm thanh nghe nói đều được ghi nhận rõ ràng từ cả 2 phía. Và có lẽ cũng dễ hiểu khi mà khả năng pair 2 loa thành dàn stereo đã gần như trở thành tiêu chuẩn của các mẫu loa mới ra mắt hiện nay nên Studio 3 cũng nhanh chóng sở hữu chức năng này. Tiếc là mình chỉ mượn được 1 cái nên sẽ không test được nhưng dù sao, bản thân nó đã là một chiếc loa toàn dải đủ để cân nhu cầu nghe nhạc của người dùng.
Điểm đáng chú ý chính là cường độ âm thanh của Studio 3 thể hiện được là khá đáng chú ý so với kích thước dẹp của nó. Đối với mình thì trong âm thanh, các định luật vật lý chính là tiêu chuẩn tiên quyết để tạo nên một âm thanh thật sự. Điều đó đúng nhưng có vẻ Studio đã giúp nó trở nên đủ hơn bởi với hình dạng như chiếc bánh rán nhưng rõ ràng, âm thanh vẫn được đáp ứng khá tốt. Đặc biệt hơn là quá trình hoạt động, bass được đánh nhiều ở một số bài nhạc test nhưng vẫn không có hiện được rung lắc, chạy loa, khá đáng khen.
Và vô hình chung nhờ vào hình dạng dẹp, to kết hợp với cách sắp xếp các củ loa cùng bộ cộng hưởng bass bên trong mà âm thanh do Studio 3 thể hiện khá rộng rãi, âm trường cho cảm giác rộng mở, thoải mái chứ không hề gò bó như một số mẫu loa khác, điển hình là Bose Soundlink Mini II. Bass của Studio 3 là khá đáng chú ý, bass đánh tương đối nhanh, giàu năng lượng, không decay quá dài gây kéo đuôi và được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên nếu xét về tốc độ bass thì có lẽ Bose cho âm bass nhanh và dứt khoát hơn một chút. Tuy nhiên, về lượng và khả năng kiểm soát gần như là như nhau.
Nhìn chung thì âm của Studio 3 tương đối tối, độ chi tiết được thể hiện tốt, khả năng bóc tách là khá mạnh đối với một chiếc loa di động. 2 dải âm còn lại được đảm bảo ở mức khá tốt, lượng được phân bố đồng đều và vô tình đây chính là yếu tố mà theo mình giúp loa chơi được nhiều thể loại nhạc khác nhau một cách khá tốt. Bài toán có sẽ khốc liệt hơn khi mà ở những trường đoạn khó, dải âm cao thật sự chưa đủ tới mức bùng cháy, leng keng mà chỉ dừng lại ở mức chấp nhận được.
Và có lẽ thời lượng pin 2600mAh ở Studio 3 chính là yếu tố khiến nó hơi xa rời hơn so với một mẫu loa di động. Tuy nhiên ở góc nhìn khác thì đây có thể lý giải bởi việc cắt giảm bớt thời lượng pin lại giúp giảm tối đa trọng lượng của nó. Mặt khác thì nếu mình mua chiếc loa này, khó có thể mang nhiều ra khỏi nhà bởi nó giống với một món đồ trang trí, một chiếc loa cao cấp hơn là loa di động nồi đồng cối đá. Cuối cùng với mức giá 4,7 triệu đồng (ở nước ngoài là 215 đô la), chúng ta có một chiếc loa rất đẹp, nhiều chức năng ngon và âm thanh có thể nói là rất xứng đáng với số tiền phải bỏ ra.